Sốt (thân nhiệt cao) thường gặp ở trẻ em. Sốt là một phản ứng bình thường đối với nhiều bệnh tật, phổ biến nhất là do nhiễm trùng trong cơ thể. Bản thân sốt thường không gây hại – thực tế, sốt giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại sự nhiễm trùng.
Trong khi sốt có thể khiến cha mẹ lo lắng, nhưng các bác sĩ thường lo ngại nhiều hơn về nguyên nhân gây sốt chứ không phải thân nhiệt của trẻ. Điều quan trọng hơn là quý vị phải theo dõi bất kỳ triệu chứng nào của căn bệnh tiềm ẩn, thay vì theo dõi cơn sốt.
Các dấu hiệu và triệu chứng của sốt (Signs and symptoms of fever)
Con quý vị bị sốt khi thân nhiệt đo được trên nhiệt kế là cao hơn 38°C.
Con của quý vị cũng có thể:
- không khỏe và khi sờ vào người em thấy nóng
- cáu kỉnh hoặc khóc
- buồn ngủ hơn bình thường
- nôn hoặc từ chối uống nước/sữa
- run rẩy
- bị đau đớn
Nếu con quý vị dưới ba tháng tuổi và bị sốt trên 38°C, quý vị nên đưa bé đến bác sĩ, ngay cả khi bé không có triệu chứng nào khác.
Đo thân nhiệt cho con quý vị (Taking your child's temperature)
Quý vị có thể đo thân nhiệt của trẻ bằng một số phương pháp. Mỗi phương pháp sẽ đo thân nhiệt của con quý vị theo một cách khác nhau và kết quả có thể khác nhau tùy thuộc vào loại nhiệt kế quý vị sử dụng. Các phương pháp khác nhau bao gồm:
- nhiệt kế hồng ngoại đo ở trán
- nhiệt kế kỹ thuật số, thủy ngân hoặc cồn được đo dưới cánh tay hoặc đặt dưới lưỡi
- nhiệt kế đo ở tai (màng nhĩ)
- nhiệt kế băng nhựa được đo ở trán (không nên dùng loại nhiệt kế này vì không đáng tin cậy).
Một số nhiệt kế phù hợp hơn với các nhóm tuổi cụ thể, vì vậy quý vị phải luôn luôn đọc và làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đo nhiệt độ chính xác. Quý vị cũng có thể yêu cầu Y tá Chăm sóc Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, bác sĩ Gia đình hoặc dược sĩ chỉ cho quý vị cách sử dụng nhiệt kế. Hãy làm điều này trước khi quý vị cần sử dụng nhiệt kế.
Co giật do sốt (Febrile seizures)
Một số trẻ có thể bị co giật (động kinh) khi bị sốt. Đây được gọi là cơn co giật do sốt. Con quý vị có thể bị co giật do sốt nếu thân nhiệt của em tăng đột ngột. Đôi khi, cơn co giật xảy ra cho trẻ trong lúc cha mẹ không thực sự biết con mình bị sốt. Co giật do sốt là phổ biến và thường không gây ra bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào đối với sức khỏe. Xem tờ thông tin của chúng tôi Co giật do sốt.
Febrile seizures.
Chăm sóc tại nhà (Care at home)
Sốt do nhiễm trùng có thể do các loại vi trùng khác nhau gây ra. Hầu hết trường hợp sốt là do siêu vi khuẩn gây ra và không cần điều trị. Một vài trường hợp sốt do vi khuẩn gây ra sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh không có tác dụng với siêu vi khuẩn
Hạ sốt cho con quý vị sẽ không giúp điều trị nhanh hơn cho căn bệnh tiềm ẩn.
Nếu con quý vị có vẻ khỏe mạnh và vui vẻ thì không cần phải điều trị cơn sốt. Nếu con quý vị khổ sở, có những điều quý vị có thể làm để giúp em cảm thấy thoải mái hơn:
- Cho em uống những ngụm nhỏ nước thường xuyên. Nhiều trẻ không chịu ăn khi bị sốt. Đây không phải là vấn đề, miễn là cơ thể em có đủ nước
- Nếu con của quý vị đang bú sữa mẹ và dưới sáu tháng tuổi, hãy cho em bú thêm sữa mẹ
- Nếu con của quý vị bú sữa công thức và dưới sáu tháng tuổi, hãy cho em uống lượng sữa công thức như bình thường
- Nếu con của quý vị lớn hơn sáu tháng, hãy tiếp tục cho bé bú mẹ hoặc bú bình. Quý vị cũng có thể cho con mình uống nước hoặc dung dịch bù nước.
- Quý vị có thể cần cho con mình uống một lượng nhỏ chất lỏng, và cho uống thường xuyên hơn.
- Cho trẻ uống paracetamol và/hoặc ibuprofen nếu cơn sốt khiến trẻ khó chịu hoặc trẻ có các triệu chứng khác, chẳng hạn như đau họng. Cẩn thận thực hiện theo các hướng dẫn về liều lượng ghi trên bao bì. Không dùng ibuprofen cho trẻ dưới ba tháng tuổi hoặc bất kỳ trẻ nào bị mất nước. Không bao giờ cho trẻ uống aspirin. Xem tờ thông tin của chúng tôi Giảm đau cho trẻ em.
Pain relief for children.
- Hãy thử lau trán của con quý vị bằng miếng bọt biển hoặc khăn lau mặt ngâm trong nước hơi ấm để giúp hạ nhiệt. Điều quan trọng là trẻ không bị quá lạnh hoặc khó chịu khi quý vị làm như vậy. Không nên cho con quý vị tắm bồn hoặc vòi hoa sen với nước lạnh.
- Cho con quý vị mặc đủ quần áo để em không quá nóng hoặc quá lạnh. Nếu con quý vị run rẩy, hãy mặc thêm cho em một lớp quần áo hoặc đắp chăn cho đến khi em hết run.
Hãy theo dõi con quý vị để biết các dấu hiệu cho thấy bệnh của em có đang trở nên nặng hơn không.
Khi nào cần gặp bác sĩ (When to see a doctor)
Nếu con của quý vị dưới ba tháng tuổi và bị sốt trên 38°C, ngay cả khi bé không có triệu chứng nào khác, quý vị cần phải đưa bé đến bác sĩ.
Nếu con quý vị bị suy giảm miễn dịch (hệ thống miễn dịch suy yếu) vì bất kỳ lý do gì và bị sốt trên 38°C, quý vị nên đến bác sĩ hoặc khoa cấp cứu của bệnh viện để được chăm sóc ngay lập tức.
Đối với tất cả các trẻ em khác, hãy đưa trẻ đến bác sĩ gia đình nếu thân nhiệt của em trên 38°C và em có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- cổ bị cứng hoặc ánh sáng làm em bị đau mắt
- nôn mửa và không chịu uống sữa/nước
- nổi mẫn
- buồn ngủ hơn bình thường
- có vấn đề về hô hấp
- cơn đau không thuyên giảm sau khi uống thuốc giảm đau.
Quý vị cũng nên đưa con mình đến bác sĩ nếu em:
- bị sốt hơn hai ngày và không có nguyên nhân rõ ràng
- dường như ngày càng không khoẻ
- đã bị co giật do sốt
Những điểm chính cần nhớ (Key points to remember)
- Sốt là khi thân nhiệt của trẻ từ 38°C trở lên
- Sốt thường xảy ra ở trẻ em
- Bản thân cơn sốt hiếm khi gây hại và có thể giúp chống lại sự nhiễm trùng
- Nếu con quý vị có vẻ khỏe mạnh và vui vẻ thì không cần phải điều trị cơn sốt.
- Nếu con quý vị dưới ba tháng tuổi và bị sốt trên 38°C, hãy đưa bé đến bác sĩ, ngay cả khi em không có triệu chứng nào khác.
- Đưa con quý vị đến bác sĩ nếu tình trạng của em dường như trở nặng hơn hoặc bị sốt dai dẳng
Để biết thêm thông tin (For more information)
Các câu hỏi phổ biến thường được hỏi (Common questions our doctors are asked)
Tôi có nên lo lắng về cơn sốt của con mình không?
Các bác sĩ sẽ tiến hành việc đánh giá tình trạng chung của trẻ thay vì chỉ tập trung vào cơn sốt của em. Điều này bao gồm quan sát cách biểu hiện và cư xử của trẻ. Cụ thể, các bác sĩ chú ý đến các dấu hiệu như thờ ơ, giảm lượng nước/sữa uống vào cơ thể, thay đổi hành vi và sốt dai dẳng kéo dài hai ngày trở lên. Nếu có những đặc điểm này, bác sĩ có thể điều tra nguyên nhân cơ bản của cơn sốt, có thể bao gồm việc thực hiện xét nghiệm máu hoặc lấy mẫu nước tiểu.
Mọc răng có bị sốt không?
Trẻ đang mọc răng có thể bị sốt lên đến 38°C. Tuy nhiên, thân nhiệt cao hơn 38°C không bao giờ được quy cho việc mọc răng. Có nhiều khả năng là nhiễm trùng.
Ngay cả sau khi giảm đau, con tôi bị sốt. Tôi có nên lo lắng không?
Nếu như con quý vị cảm thấy khỏe hơn và các triệu chứng khác của em đã được cải thiện. Paracetamol và ibuprofen có thể không làm hạ sốt, nhưng mục đích là làm cho con quý vị cảm thấy dễ chịu hơn. Nếu cơn sốt kéo dài hơn hai ngày mà không thuyên giảm, quý vị hãy đưa trẻ đến bác sĩ.
Khi tôi cảm thấy bệnh, bác sĩ khuyên tôi nên dùng aspirin. Tôi có thể sử dụng thuốc này cho con mình không?
Không bao giờ cho trẻ uống aspirin để giúp kiểm soát cơn sốt. Nó có thể dẫn đến một tình trạng nguy hiểm gọi là hội chứng Reye. Trẻ chỉ được uống thuốc này nếu được bác sĩ khuyến nghị cụ thể. Có thể dùng paracetamol hoặc ibuprofen để thay thế.
Được Khoa Cấp cứu và Y học Đa khoa của Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia và Trung tâm Sức khỏe Trẻ em Cộng đồng soạn thảo. Chúng tôi ghi nhận ý kiến đóng góp của khách hàng và người chăm sóc của bệnh viện RCH.
Được duyệt lại vào tháng 7 năm 2023
Thông tin Sức khỏe Trẻ em (Kids Health Info) được Quỹ Bệnh viện Nhi Đồng Hoàng Gia (Royal Children’s Hospital Foundation) tài trợ. Để quyên góp, hãy truy cập www.rchfoundation.org.au.
Bãi miễn trách nhiệm
Thông tin này chỉ nhằm mục đích hỗ trợ, không thể thay thế lời khuyên của bác sĩ, vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe của quý vị. Các tác giả của các tài liệu về thông tin sức khỏe dành cho khách hàng này đã nỗ lực đáng kể để bảo đảm thông tin là chính xác, cập nhật và dễ hiểu. Bệnh viện Nhi Đồng Hoàng Gia Melbourne (Royal Children's Hospital Melbourne) không chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thiếu chính xác nào, thông tin bị xem là gây hiểu lầm hoặc bất kỳ phác đồ điều trị nào được nêu chi tiết trong tài liệu này. Thông tin trong tài liệu được cập nhật định kỳ và do đó quý vị phải luôn kiểm tra xem quý vị có đang đọc phiên bản mới nhất của tài liệu hay không. Trách nhiệm thuộc về quý vị, người sử dụng, để đảm bảo rằng quý vị đã tải xuống phiên bản cập nhật mới nhất của tờ rơi về thông tin sức khỏe dành cho người tiêu dùng.