Gastroenteritis (Vietnamese) – Viêm dạ dày ruột

  • Viêm dạ dày ruột (gastro) là một bệnh nhiễm trùng đường ruột gây tiêu chảy (phân lỏng, có nước) và đôi khi nôn mửa. Tình trạng nôn mửa có thể hết nhanh chóng nhưng tiêu chảy có thể kéo dài đến 10 ngày.

    Viêm dạ dày ruột có thể do nhiều loại vi trùng khác nhau gây ra, mặc dù nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh này là do nhiễm siêu vi. Hầu hết trẻ em không cần dùng bất kỳ loại thuốc nào cho viêm dạ dày ruột; tuy nhiên, điều quan trọng là em phải uống nhiều nước để tránh bị mất nước.

    Viêm dạ dày ruột dễ lây lan, phổ biến và nghiêm trọng hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ dưới sáu tháng tuổi có thể rất dễ bị mất nước và cần đến bác sĩ khám nếu trẻ bị viêm dạ dày ruột.

    Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm dạ dày (Signs and symptoms of gastro)

    Nếu con quý vị bị viêm dạ dày ruột, em có thể:

    • cảm thấy không khỏe và không muốn ăn hoặc uống nước/sữa
    • nôn mửa trong 24 đến 48 giờ đầu tiên (thường là trước khi bắt đầu tiêu chảy)
    • bị tiêu chảy, có thể kéo dài đến 10 ngày
    • bị đau bụng đôi chút
    • bị sốt.

    Chăm sóc tại nhà (Care at home)

    Cách điều trị chính là cho trẻ uống các chất lỏng thường xuyên như nước lọc, dung dịch bù nước qua đường miệng, sữa mẹ hoặc sữa công thức. Điều rất quan trọng là phải thay thế chất lỏng bị mất do nôn mửa và tiêu chảy.

    Gastrolyte, HYDRAlyte, Pedialyte và Repalyte là các loại dung dịch bù nước qua đường miệng khác nhau mà quý vị có thể cho con mình uống để thay thế chất lỏng và muối trong cơ thể. Các loại dung dịch này cũng có sẵn dưới dạng cây kem, mà trẻ em thường rất thích ăn.

    Nếu con quý vị nôn ra một lượng lớn chất lỏng, hãy thử cho trẻ uống một lượng nhỏ chất lỏng thường xuyên (cứ sau 10-15 phút). Con quý vị có thể từ chối thức ăn khi lần đầu tiên bị viêm dạ dày ruột. Đây hiếm khi là một vấn đề miễn là em uống nước.

    Đừng cho con quý vị uống thuốc giảm nôn mửa và tiêu chảy mua không cần toa bác sĩ, vì các loại thuốc này có thể có hại cho trẻ.

    Trẻ bị viêm dạ dày ruột thường dễ lây nhiễm, vì vậy hãy rửa tay kỹ sau khi tiếp xúc với trẻ, đặc biệt là trước khi cho trẻ ăn và sau khi thay tã. Giữ con quý vị tránh xa những đứa trẻ khác càng nhiều càng tốt cho đến khi em hết tiêu chảy.

    Khi nào cần gặp bác sĩ (When to see a doctor)

    Trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi phải luôn được bác sĩ khám bệnh nếu em bị viêm dạ dày ruột, vì em có nguy cơ dễ bị mất nước.

    Bất kỳ trẻ nào bị viêm dạ dày ruột nên đến bác sĩ khám bệnh nếu em:

    • nôn mửa và bị tiêu chảy, và không uống nước/sữa
    • bị tiêu chảy rất nhiều lần (tám đến mười lần đi tiêu toàn nước, hoặc hai hoặc ba lần đi tiêu nhiều phân vào mỗi ngày) hoặc nếu tình trạng tiêu chảy không thuyên giảm sau 10 ngày
    • nôn mửa thường xuyên và dường như không thể giữ bất kỳ chất lỏng nào trong bụng
    • có dấu hiệu mất nước, ví dụ như tã lót ướt ít hơn hoặc không đi tiểu nhiều, nước tiểu có màu vàng sẫm hoặc nâu, cảm thấy choáng váng hoặc chóng mặt, khô môi và miệng
    • bị đau bụng dữ dội
    • trong phân có máu
    • chất nôn mửa có màu xanh lá cây
    • khiến quý vị lo lắng vì bất kỳ lý do nào khác.

    Nếu con quý vị bị mất nước nhiều và không thể giữ được bất kỳ chất lỏng nào trong bụng, trẻ có thể cần phải nhập viện để truyền chất lỏng bằng một ống thông qua mũi vào dạ dày (ống thông mũi dạ dày) hoặc trực tiếp vào tĩnh mạch qua ống nhỏ giọt (liệu pháp tiêm tĩnh mạch hoặc IV).

    Những điểm chính cần nhớ (Key points to remember)

    • Trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi bị viêm dạ dày ruột có thể rất dễ bị mất nước và cần được bác sĩ kiểm tra.
    • Cho trẻ uống nước mỗi khi trẻ nôn mửa. Tiếp tục cho trẻ bú. Nếu bú bình, cho bú dung dịch bù nước trong 12 giờ đầu.
    • Thường xuyên cho trẻ uống một lượng nhỏ chất lỏng.
    • Trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ có khả năng lây bệnh, vì vậy hãy thường xuyên rửa tay kỹ, đặc biệt là trước khi cho ăn và sau khi thay tã.
    • Đưa con quý vị đến bác sĩ nếu em bị mất nước, đau bụng dữ dội hoặc quý vị cảm thấy lo lắng.

    Để biết thêm thông tin (For more information)

    Các câu hỏi phổ biến thường được hỏi (Common questions our doctors are asked)

    Tôi lo ngại chất lỏng mà tôi đang cho con tôi uống đang làm cho bệnh tiêu chảy nặng hơn. Tôi có nên cho cháu uống ít hơn không?

    Việc cung cấp chất lỏng là rất quan trọng, ngay cả khi tình trạng tiêu chảy có vẻ nặng hơn. Điều quan trọng là phải thay thế chất lỏng bị mất do tiêu chảy hoặc nôn mửa để tránh mất nước. .

    Tôi có nên lo lắng rằng con tôi không muốn ăn khi bị viêm dạ dày ruột không?

    Khi con quý vị lần đầu tiên bị viêm dạ dày ruột, em có thể từ chối thức ăn ngay từ đầu. Đây thường không phải là vấn đề miễn là trẻ uống nước. Khi con quý vị đói trở lại, hãy cho em ăn thức ăn mà em muốn ăn.

    Con tôi có thể uống sữa sau khi bị viêm dạ dày ruột không?

    Nhiều đứa trẻ trở nên nhạy cảm với sữa trong một thời gian ngắn sau khi bị viêm dạ dày ruột. Nếu điều này xảy ra, quý vị có thể giảm lượng sữa của con mình trong khoảng thời gian hai tuần sau khi bị viêm dạ dày ruột. Nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục vượt quá mức này, hãy đưa con quý vị trở lại bác sĩ để khám bệnh.


    Được các khoa Cấp cứu và Tiêu hóa, Y học Đa khoa của Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia và Trung tâm Sức khỏe Trẻ em Cộng đồng soạn thảo. Chúng tôi ghi nhận ý kiến đóng góp của khách hàng và người chăm sóc của bệnh viện RCH.

    Được duyệt lại vào tháng 7 năm 2023

    Thông tin này đang chờ xét duyệt theo định kỳ. Hãy luôn luôn tìm kiếm lời khuyên mới nhất từ bác sĩ đã đăng ký và đang hành nghề.

    Thông tin Sức khỏe Trẻ em (Kids Health Info) được Quỹ Bệnh viện Nhi Đồng Hoàng Gia (Royal Children’s Hospital Foundation) tài trợ. Để quyên góp, hãy truy cập www.rchfoundation.org.au.

    Bãi miễn trách nhiệm

    Thông tin này chỉ nhằm mục đích hỗ trợ, không thể thay thế lời khuyên của bác sĩ, vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe của quý vị. Các tác giả của các tài liệu về thông tin sức khỏe dành cho khách hàng này đã nỗ lực đáng kể để bảo đảm thông tin là chính xác, cập nhật và dễ hiểu. Bệnh viện Nhi Đồng Hoàng Gia Melbourne (Royal Children's Hospital Melbourne) không chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thiếu chính xác nào, thông tin bị xem là gây hiểu lầm hoặc bất kỳ phác đồ điều trị nào được nêu chi tiết trong tài liệu này. Thông tin trong tài liệu được cập nhật định kỳ và do đó quý vị phải luôn kiểm tra xem quý vị có đang đọc phiên bản mới nhất của tài liệu hay không. Trách nhiệm thuộc về quý vị, người sử dụng, để đảm bảo rằng quý vị đã tải xuống phiên bản cập nhật mới nhất của tờ rơi về thông tin sức khỏe dành cho người tiêu dùng.