Lo âu - trẻ em ở tuổi tiểu học (Anxiety – primary school aged children)
Việc thi thoảng cảm thấy lo lắng hay lo âu là điều bình thường. Nhưng một số trẻ có những nỗi lo sợ quá mức hay liên tiếp, những lo lắng và cảm giác lo âu mà có thể kéo dài hàng tuần hoặc lâu hơn. Những cảm giác mạnh này có thể ảnh hưởng đến các sinh hoạt bình thường hàng ngày, như đi học hay gặp bạn bè, những việc mà trẻ có thể cố né tránh. Khi tình trạng lo âu của trẻ ở mức trầm trọng hay kéo dài, nó có thể là chứng lo âu quá độ.
Đối với các cha, mẹ, việc nhận biết được các dấu hiệu của chứng lo âu có thể là điều khó do chứng lo âu có thể biểu hiện ra ngoài theo nhiều cách khác nhau. Có thể là điều khó để biết được lo lắng thế nào là ở mức độ 'bình thường', và khi nào thì nên tìm kiếm sự giúp đỡ thêm. Việc tránh né các tình huống khiến con bạn lo âu có thể có vẻ là cách tốt nhất, nhưng cách đó có thể nhanh chóng trở thành một khuôn mẫu khó phá vỡ.
Các dấu hiệu và triệu chứng thường thấy (Common signs and symptoms)
- Thường xuyên tránh né các trải nghiệm và tình huống hàng ngày, như trường học, các sự kiện xã hội, hoạt động vui chơi, thể thao, ăn uống hay ngủ
- Thường xuyên có các phàn nàn về thể chất, như đau bụng và đau đầu
- Các cơn cảm xúc hay cáu giận bất ngờ, các cơn thịnh nộ hay 'mất kiểm soát'
- Khó ngủ
- Những thay đổi về cảm giác ngon miệng
- Thường xuyên tìm kiếm sự trấn an
- Bị bận tâm hay không thể tập trung được
- Lập kế hoạch quá mức cho các tình huống hay suy nghĩ quá mức về các thứ
Nhiều trẻ sẽ thi thoảng biểu hiện ra các dấu hiệu, và các dấu hiệu này có thể không liên quan đến chứng lo âu. Khi các dấu hiệu này xuất hiện thường xuyên, theo một khuôn mẫu kéo dài và khiến con bạn gặp khó khăn với cuộc sống hàng ngày, thì đó có thể là các dấu hiệu của tình trạng lo âu hay chứng lo âu quá độ. Các loại thường thấy của chứng lo âu quá độ ở trẻ bao gồm lo âu về các tình huống xã hội, lo âu về việc bị xa cách và lo âu toàn thể.
Khi nào thì nên tìm kiếm sự giúp đỡ (When to seek help)
Nếu con bạn thường xuyên biểu hiện ra các dấu hiệu lo âu, bạn có thể trao đổi điều này với Bác sĩ Gia đình (GP) hay chuyên viên y tế khác của con, hoặc với thày, cô giáo của con. Một số các dấu hiệu cho thấy đã đến lúc nên tìm kiếm sự giúp đỡ, bao gồm:
- nếu con bạn có vẻ lo lắng hay lo âu quá mức, hoặc cảm thấy lo âu thường xuyên hơn là không lo âu
- nếu tình trạng lo âu khiến con bạn không tham gia các sinh hoạt bình thường hàng ngày, như đi học, giao tiếp xã hội, chơi hay ăn, ngủ tốt.
Trường học của con bạn cũng có thể có khả năng giúp đỡ. Nhiều trường có sự hỗ trợ cho những trẻ cảm thấy lo âu và các nhân viên nhà trường đã qua huấn luyện có thể giúp đỡ, bao gồm các tâm lý gia hay các tư vấn viên.
Việc chẩn đoán và điều trị tình trạng lo âu hay chứng lo âu quá độ ở trẻ có thể được chuyên viên y tế đã qua huấn luyện và có kinh nghiệm, cung cấp. Nếu cần, Bác sĩ Gia đình có thể thu xếp việc giới thiệu tới bác sĩ chuyên khoa nhi, tâm lý gia chuyên về trẻ em hay chuyên viên y tế về sức khỏe tâm thần khác để thẩm định và hỗ trợ con bạn.
Làm thế nào để giúp con về chứng lo âu (How to help your child with anxiety)
Nếu con bạn đang cho thấy các dấu hiệu liên tục của chứng lo âu, bạn có thể hỗ trợ con tại nhà bằng các cách sau:
- Khuyến khích con nói về những cảm giác của mình và cho cha, mẹ biết những khi con trở nên bị áp đảo. Điều có thể giúp ích là hãy giải thích rằng những cảm giác này là thường gặp – tất cả chúng ta đôi khi đều cảm thấy lo lắng hay lo sợ.
- Nếu có một tình huống cụ thể nào đó mà con bạn thấy khó khăn, hãy giúp con dần dần làm được điều mà khiến con lo âu. Thí dụ, nếu đi đến trung tâm mua sắm đông người khiến con lo âu, hãy bắt đầu bằng các chuyến đi ngắn đến các cửa hàng trong địa phương, dần tăng lên thành một cuộc ghé đến trung tâm mua sắm vào giờ vắng người.
- Cùng con lập kế hoạch thực tiễn để ứng phó với các cảm giác lo âu trong tương lai, như các cách hít thở hay các giai đoạn trấn an để tập trung vào.
- Hãy dành thời gian để cùng nhau vui vẻ và chuyển sự chú tâm khỏi các cảm giác lo âu.
- Giúp con có các nề nếp tốt cho sức khỏe bao gồm ngủ đủ, có chất lượng, tập thể dục ngoài trời đều đặn, ăn uống tốt và tránh xem màn hình quá nhiều.
- Hãy thử một chương trình điều trị trực tuyến cho chứng lo âu (xin xem phần 'Các tài nguyên hữu ích' dưới đây).
Nếu bạn là cha, mẹ hay người chăm sóc đang bị chứng lo âu, thì điều quan trọng là chăm sóc cả sức khỏe tâm thần của chính mình nữa và tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần.
Các điểm chính nên nhớ (Key points to remember)
- Trẻ cảm thấy lo âu, lo lắng hay lo sợ, lúc này lúc khác là điều bình thường.
- Có thể khó để nhận biết được chứng lo âu ở trẻ, do các dấu hiệu của tình trạng này là đa dạng và bao gồm những thứ thường gặp như đau bụng, đau đầu luôn tái diễn, các cơn thịnh nộ và khó ngủ.
- Sẽ là lúc cần tìm kiếm sự giúp đỡ nếu con bạn có các triệu chứng trầm trọng, thường xuyên hay kéo dài, và nếu con đang tránh né các sinh hoạt hàng ngày và các tình huống kích thích tình trạng lo âu của con.
- Để được giúp đỡ, hãy trao đổi với giáo viên, Bác sĩ Gia đình hay chuyên viên y tế khác của con, như y tá, bác sĩ chuyên khoa nhi, tư vấn viên hay tâm lý gia, về các cảm giác và hành vi của con.
- Có các cách để hỗ trợ con bạn tại nhà và có các tài nguyên trực tuyến có thể giúp được.
Các tài nguyên hữu ích (Useful resources)
-
The Brave Program: Một chương trình trực tuyến tương tác nhắm đến trẻ từ 8–12 tuổi nhằm giúp các em vượt qua các lo lắng và học các cách ứng phó.
-
Fear-Less Triple P Online Course: Một bộ công cụ để giúp con bạn quản lý tình trạng lo âu và trở nên kiên cường hơn về cảm xúc.
-
Cool Kids Program: Một chương trình trực tuyến tương tác nhắm đến trẻ từ 7–12 tuổi để giúp các em vượt qua tình trạng lo âu và trở nên tự tin.
-
The Beyond Blue Child Mental Health Checklist: Một công cụ tổng quát để kiểm tra các triệu chứng của con bạn và xem liệu có phải là lúc nên có sự giúp đỡ chuyên nghiệp.
-
Parentline: trao đổi những khó khăn của việc nuôi dạy con cái và có được sự hỗ trợ.
-
Smiling Mind Kids Care Packages: Một loạt các hoạt động và các đoạn ghi âm giúp tĩnh tại dành cho trẻ dựa trên cách thiền định chú tâm.
Muốn biết thêm thông tin (For more information)
Các câu hỏi thường được hỏi cho các bác sĩ của chúng tôi (Common questions our doctors are asked)
Những nguyên nhân nào gây nên tình trạng lo âu ở trẻ? (What causes anxiety in children?)
Thi thoảng lo lắng hay lo âu là sự ứng phó bình thường về sinh lý với những thay đổi trong thế giới hay môi trường của chúng ta. Đối với một số trẻ, tình trạng lo âu có thể trở nên thường xuyên và kéo dài và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của các em. Có nhiều thứ khác nhau có thể khiến tình trạng lo âu xảy ra, bao gồm các yếu tố gây lo âu và những nguyên nhân gây căng thẳng trong cuộc sống và khuynh hướng di truyền về mắc chứng lo âu. Nếu bản thân cha, mẹ đang bị chứng lo âu, việc này có thể khiến con dễ mắc chứng lo âu hơn vì vậy điều quan trọng là cha, mẹ có được sự giúp đỡ cho an sinh và sức khỏe tâm thần của chính mình nếu cần. Đối với nhiều trẻ, không có lý do rõ ràng tại sao các em lại trở nên bị chứng lo âu quá độ khi các em bị như vậy.
Khi lớn hơn trẻ có khỏi được chứng lo âu không? (Do children grow out of anxiety?)
Một số trẻ bị lo âu sẽ khỏi được những lo sợ của mình khi các em lớn hơn, nhưng một số khác sẽ vẫn gặp trở ngại với chứng lo âu trừ khi các em có được sự giúp đỡ chuyên môn. Khi chứng lo âu của trẻ ở mức độ trầm trọng hay kéo dài và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của các em, thì việc đó được mô tả là chứng lo âu quá độ. Trong những hoàn cảnh này, điều quan trọng là tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn để hỗ trợ con bạn quản lý tình trạng lo âu của con.
Chứng lo âu ở trẻ có cần việc điều trị bằng thuốc men không? (Does anxiety in children need treatment with medication?)
Hầu hết tình trạng lo âu ở trẻ còn nhỏ hơn có thể được quản lý bằng sự hỗ trợ và các cách từ tâm lý gia, bác sĩ hay các chuyên viên y tế khác. Trong một số hoàn cảnh, thuốc men cũng được sử dụng để giúp điều trị các chứng lo âu quá độ. Thuốc men cho chứng lo âu có thể được các bác sĩ có chuyên môn về sức khỏe tâm thần của trẻ em, như bác sĩ chuyên khoa nhi, bác sĩ tâm thần hay một số Bác sĩ Gia đình, kê toa. Các cách điều trị về tâm lý cũng rất hiệu quả cho hầu hết các trẻ nhỏ và thường trực tiếp liên quan đến những người chăm sóc. Các cách điều trị này có thể sẵn có tại các trung tâm y tế cộng đồng, hoặc tại các phòng khám tư và có các khoản bồi hoàn của Medicare.